Tóm tắt về thân thế sự nghiệp và những hoạt động của ông
trong lĩnh vực y học cổ truyền.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch sinh ngày 7/5/1909 tại Quy Nhơn, học Đại học Y Hà Nội từ năm 1928, hai năm cuối Ông sang Pháp du học chuyên sâu về bệnh lao phổi, tốt nghiệp Bác sĩ ở Paris năm 1934. Sau khi học xong Ông được thăng chức làm Giám đốc Bệnh viện Lao vùng núi phía Đông nước Pháp.
Năm 1936 Ông trở về nước mở phòng mạch tư ở Sài gòn, năm 1937 ông cưới một nữ y tá người Pháp là bà Marie Louise làm vợ và có 2 người con là Colette Phạm Thị Ngọc Mai và Alain Phạm Ngọc Định.
Tham gia hoạt động cách mạng ở Sài Gòn từ thời kỳ mặt trận bình dân (1936 – 1939), vào Đảng cộng sản Đông dương tháng 3 năm 1945 và là thủ lĩnh của tổ chức Thanh niên tiền phong, tham gia cướp chính quyền tháng 8 năm 1945.
Cách mạng tháng tám thành công. Chính phủ lâm thời nước Việt nam dân chủ cộng hoà được thành lập, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ y tế đầu tiên của nước ta (27/8/1945 – 1/1946), đồng thời là ủy viên Ủy ban nhân dân Nam bộ phụ trách công tác đối ngoại, là thành viên của phái đoàn Chính phủ Việt Nam tham gia đàm phán với đại diện của Chính phủ Pháp.
Cuối năm 1946, Ông làm Thứ trưởng Phủ Chủ tịch, đặc phái viên của Chính phủ sang các nước láng giềng và một số nước Châu âu để trình bày quan điểm của Đảng và Chính phủ ta về kháng chiến chống Pháp.
Năm 1948, Ông được cử làm Trưởng phái đoàn Chính phủ vào Nam bộ công tác, sau đó được bầu làm Thường vụ khu ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Sài Gòn – Chợ Lớn.
Giữa năm 1953, Ông được phân công làm Trưởng Ban y tế của Đảng phụ trách công tác y tế an toàn khu (ATK) và là Giám đốc bệnh xá 303. Ngoài công việc y tế, Ông còn tham gia các hoạt động chính trị và ngoại giao khác của Chính phủ.
Năm 1954, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch lại được cử làm Thứ trưởng, năm 1958 làm Bộ trưởng kiêm Bí thư Đảng đoàn Bộ Y tế cho đến ngày 7/11/1968, Ông hy sinh trong một căn nhà tranh giữa miền chiến khu Đông Nam bộ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân đang diễn ra rất quyết liệt. Ông hy sinh khi thân chinh tới mặt trận trực tiếp cứu chữa thương binh, tìm cách trị bệnh cho nhân dân và chiến sĩ ta.
Tại Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc năm 1958, ông được nhà nước tuyên dương là Anh hùng lao động.
Ngày10/9/1996 Ông được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.
Ông là một chiến sĩ cách mạng của Đảng và của cả dân tộc; là người có công to lớn trong cuộc đấu tranh với bệnh lao và đưa sự nghiệp y tế của dân tộc ta phát triển. Công lao của ông trong sự nghiệp cách mạng dân tộc và sự nghiệp y tế rất to lớn.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung vào lĩnh vực Y học cổ truyền mà Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là người có công khơi dậy và phát triển
(GS.BS. Trần Cửu Kiến – nguyên phó giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị) kể chuyện : Năm 1945 khi đưa mẹ đến khám bệnh tại phòng mạch bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Bác sĩ Thạch đã nói với ông như sau: Tuyên truyền vệ sinh và tân y học trong giới đồng bào nghèo thì tốt đó, nhưng y học cổ truyền của ông cha mình cũng rất nhiều cái độc đáo lắm, tuy nhiên nó bị nạn mê tín dị đoan xen vào, phải biết phân biệt. Anh dặn tôi học thuốc Nam, mà chẩn đoán theo phương pháp hiện đại. Vì trong nước mình có nhiều cây thuốc, dân mình còn nghèo, còn rất nhiều bệnh thông thường chữa bằng thuốc Nam được. Không ngờ rằng ý nghĩ ấy đã chín muồi khi sau này anh làm Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ông hết sức coi trọng những kinh nghiệm chữa trị trong nhân dân, những vốn quý của nền Y học cổ truyền dân tộc.
- Ông thường nói: hơn 4.000 năm lịch sử, để tồn tại, dân tộc ta đã tự chữa trị được nhiều bệnh hiểm nghèo, giữ gìn được sức khỏe là nhờ có Y học dân tộc. Ta có nhiều cây thuốc quý, kinh nghiệm chữa bệnh của nhân dân ta rất phong phú và hiệu quả, tại sao trong khi khám, chữa bệnh người thầy thuốc Việt Nam lại không kết hợp các phương pháp của Y học cổ truyền với Y học hiện đại ?
-Trong tác phẩm “Cơ sở lý luận Y học Việt Nam”, Ông viết: “Việc xem khinh y học cổ truyền, y học dân gian có nguồn gốc giai cấp của nó trong xã hội có giai cấp mà giai cấp thống trị là giai cấp tư sản phải tìm mọi cách để chôn vùi vốn văn hoá của dân tộc, của nhân dân lao động. Những luận điểm tuyên truyền cho Đông y là phản khoa học cũng giống như những luận điệu chống lại văn hoá, kinh nghiệm văn hoá trong nhân dân lao động”…
- Một trong 5 phương châm nguyên tắc của ngành y tế mà ông đề ra đó là KẾT HỢP ĐÔNG Y VÀ TÂY Y,theo Ông :
Đông Y và Tây Y không phải là hai nền Y học mà là hai chuyên ngành của một nền Y Học Việt Nam thống nhất. Kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền dân tộc trong mối quan hệ biện chứng với nhau, trong đó y học cổ truyền dân tộc là một di sản văn hoá của dân tộc cần được vảo vệ, phát huy và phát triển. Quan điểm kết hợp Y học cổ truyền với Y học hiện đại đã được Ông đặt vào vị trí xứng đáng với các quan điểm lớn của nền Y học Xã hội chủ nghĩa.
- Ông đưa phong trào thuốc nam, châm cứu là một trong “Năm dứt điểm” của Ngành y tế. Ngày 15.3.1967, trong lời giới thiệu sách “thuốc Nam, châm cứu” Ông viết: “Rất mong không những cán bộ cơ sở, mà tất cả các cán bộ y tế của chúng ta, từ Trung ương đến cơ sở nghiên cứu tích cực, đẩy mạnh phong trào trồng cây thuốc Nam khắp nơi, bào chế thuốc Nam ở địa phương, trị bệnh bằng thuốc Nam, châm cứu”.
- Năm 1948, Ds Nguyễn Duy Cương gặp BS. Phạm Ngọc Thạch ở Bangkok, Thái Lan cũng được căn dặn phải quan tâm đến “Cây con làm thuốc vì đó là hướng đi độc đáo của ta”.
- Ông xem báo, đọc tin, nghe đài biết ở đâu xuất hiện có ông Lang, bà Mế, ở đâu có thuốc hay, Ông mời về nhà gặp để nghiên cứu và khai thác. Ông nói: “Mình nghe dân, học dân để phục vụ dân”
-Ông nói:”Với hoàn cảnh kinh tế còn nghèo của đất nước mình, chạy theo nghiên cứu thuốc tân dược thì biết bao giờ kịp các nước có nền kinh tế công nghiệp dược phẩm hiện đại. Phải khai thác y học cổ truyền, có chọn lọc”. Cho nên Ông phân công dược sĩ Trần Văn Luận về thành lập “Viện dược liệu Trung ương” và đưa bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng về làm giám đốc “ Viện nghiên cứu Đông Y”.
- Có lần ông đến thăm một xã hẻo lánh, thuộc huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, ông hỏi tỉ mỉ một cụ già đang ngồi vót nan: “thu hoạch của cụ một tháng bao nhiêu? Cụ già không biết tính toán, nhưng cụ nói ra số thóc, số trái cây và số con gà nuôi được; tính đi tính lại, chỉ có 7 đồng/1 tháng” (khoảng 18 kg gạo), ông ngồi thừ ra một hồi lâu, vẻ mặt đượm buồn, mãi ông mới nói riêng với anh em: “Người ta có 7 đồng/1 tháng thì lấy tiền đâu ra mua thuốc chữa bệnh!” Ông lại hỏi cụ già: “Khi nhà có người ốm thì chữa bệnh bằng cách gì?” Cụ đáp: “Chữa bằng thuốc Nam”. Ông lại hỏi cụ thể, rồi ghi chép, tìm hiểu, nhận dạng mặt cây thuốc và hỏi rõ về cách trồng và cách chế biến. Từ đó, lòng quyết tâm kết hợp thuốc Đông và thuốc Tây lại càng thể hiện mạnh mẽ trong tâm trí ông: Ông đã tìm gặp và đón ông lang Vạn, lương y ở Thanh Hóa ra tận bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội để hướng dẫn về kỹ thuật nắn bó gãy xương. Với lòng tự hào dân tộc và tinh thân độc lập, tự chủ sâu sắc, ông đã có quyết tâm cao trong công tác nghiên cứu y dược học cổ truyền Việt Nam, thừa kế kinh nghiệm thuốc Nam của ông cha ta, đẩy mạnh công tác điều tra, khảo sát, sưu tầm, nuôi trồng chế biến sử dụng dược liệu trong phong trào thuốc nam ở xã. Ngay từ năm 1959-1960, khi ông trở lại giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế, Ông đã xây dựng mở rộng phòng kiểm nghiệm hóa học về thuốc, thành Viện dược liệu trung ương, gồm cả công tác dược liệu và kiểm nghiệm thuốc. Ông khuyến khích cán bộ dược đi làm công tác điều tra, sưu tầm, trồng trọt, chỉ đạo công tác thuốc nam tại xã, kể cả những nơi địch bắn phá ác liệt nhất.
- Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch rất chịu khó học hỏi từ đồng nghiệp cho tới ông lang, bà mế những kinh nghiệm chữa trị phù hợp với hoàn cảnh nước ta. Ông cũng đọc kỹ từng bài báo nhỏ của đồng nghiệp, học trò về một vấn đề mới cho tới những công trình lớn của Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh, Là Giám đốc của Viện chống Lao Trung ương Ông đã giành 25% kinh phí cho các hoạt động của Y học cổ truyền, thành lập khoa Đông y tại Viện, ông giao cho các bác sĩ đọc từng chương trong sách của Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh để tìm ra những gì có thể áp dụng được trong bệnh về phổi. Ông cho mời và tuyển dụng các lương y có đức, có tài để thừa kế. Ông rất tâm đắc phương pháp điều trị toàn diện của Y học cổ truyền.
-Cán bộ chiến sĩ, nhất là cán bộ y tế, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, trước lúc lên đường vào chiến trường, đều được Ông phổ biến những kinh nghiệm chữa rắn, rết, bọ cạp cắn, ngộ độc nấm, ngộ độc lá rừng các phương pháp điều trị vết thương theo kinh nghiệm của đồng bào miền Nam.
- Ông đã tự mình uống thử Ích mẫu để xem tác dụng của thuốc ra sao, từ đó, ông vận động chị em sử dụng cao ích mẫu trong việc phòng và chữa bệnh phụ khoa. Trong điều trị lao, ngoài việc cho bệnh nhân uống Rimifon, Ông còn cho tiêm Filatov vào vùng huyệt phế du mà kết quả là rút ngắn được thời gian điều trị. Trẻ em bị ho gà, Ông cũng cho tiêm Filatov vào huyệt phế du. Kết quả thật khả quan.
Ông cũng đặc biệt quan tâm đến những bài thuốc, vị thuốc dân gian, cho dùng thử thấy không độc và kết quả là Ông cho phổ biến để sử dụng rộng rãi như lá rau diếp cá trị các chứng viêm nhiễm, mỡ gấu chữa trĩ, nhiều phương pháp điều trị của Ông nghe nói rất buồn cười, nhưng khi áp dụng mọi người đều thấy có kết quả. Như thuốc NT9 điều trị choáng và ngộ độc nấm; như thuốc điều trị sa tử cung, ông dùng làm thuốc tăng sức cơ cho vận động viên.
- Ông không đồng tình với một số cán bộ khoa học trong ngành cho rằng muốn phát triển nền y học Việt Nam phải xây dựng những phòng nghiên cứu được trang bị máy móc hiện đại , phải xây dựng một nền công nghiệp hóa dược nghĩa là phải đi theo con đường các nước phát triển đã đi. Trong các cuộc họp, Ông luôn luôn bảo vệ một cách thuyết phục quan điểm của Ông là muốn phát triển nền y học Việt Nam theo phương châm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra: khoa học, dân tộc, đại chúng, cần phải thực hiện bằng con đường riêng, phù hợp với hoàn cảnh đất nước mình, nếu cứ đi theo con đường của đất nước đã phát triển thì luôn luôn tụt hậu đằng sau họ.
Dưới sự lãnh đạo của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nền y học cổ truyền dân tộc đã được khơi dậy và vươn lên xứng đáng với tầm vóc vốn có của nó.
Cuộc đời và sự nghiệp của Ông đã được các nhân sĩ đương thời đánh giá như sau:
- Bác sĩ Trần hữu Nghiệp viết về Ông : Bác sĩ kiêm đại văn hào Nhật bản Watanabe có viết trong tiểu thuyết Đèn không hắt bóng như sau:” Người thầy thuốc chân chính phải vừa là một triết gia, vừa là kẻ tuyên truyền đạo lý làm người”Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đúng là người thầy thuốc như vậy.Triết học mà anh thực hiện, quả như lời Mác, không phải là đứng ngoài giải thích, mà lăn xả vào để cải tạo cuộc đời. Năm phương châm y tế cách mạng Anh nêu ra từ năm 1955, đường lối tổ chức y tế và nghiên cứu y học của Ông là những ví dụ điển hình
- Khi ông mất, Giáo sư thạc sĩ André Roussel viết trên tạp chí của Hội y học Pháp Việt số 3, 1969 về ông như sau: Đó là một người hiền vĩ đại!
Không hiền và vĩ đại sao được khi ông từ bỏ chức giám đốc bệnh viện lao vùng núi phía đông nước Pháp, từ bỏ thu nhập phòng khám tư cao hơn bất kể ông đốc phủ sứ thời đó để tham gia cách mạng dành độc lập, tự do cho tổ quốc; làm bộ trưởng y tế nhưng cả cuộc đời ông gắn liền với phân, nước, rác, với các bệnh lây truyền nguy hiểm đặc biệt là bệnh lao và luôn trăn trở khơi dậy nền YHCT và kết hợp YHCT với YHHĐ để đưa sức khỏe nhân dân và nền y tế thời đó tiến lên một bước, mà Francois Remy, một chuyên viên của tổ chức y tế thế giới đánh giá: Do kết quả được Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chỉ đạo đã đem lại kết quả mà Việt Nam là một trong 25 nước “bất hạnh nhất” có được một nền y tế tiên tiến gần như ở một số nước Trung Âu, như trình độ y tế của nước Pháp cách đây 10-15 năm.
Không hiền và vĩ đại sao được khi cả cuộc đời ông, dù là thầy thuốc, dù hoạt động cách mạng, dù là bộ trưởng đều có tính cách nhân ái, bình dân, giản dị. Kể cả lúc chết cũng thật giản dị, quan tài là những tấm ván sạp ngủ của các chiến sĩ cưa ra, đóng lại; nơi chôn là bờ một dòng sông với mộ phần không bia. Như điếu văn của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng tiễn biệt ông: “ không hề sợ gian khổ, hy sinh dưới bom đạn của quân thù, hoặc bên cạnh người bệnh, luôn hăng say và tận tụy với công việc, khiêm tốn giản dị, dũng cảm, vô tư không đòi hỏi gì cho mình, cũng không đòi hỏi gì quá đáng cho ngành mình..”. Như Jean Paul Sartre là nhà triết học hiện sinh viết trong thư chia buồn “ Chúng ta cảm phục và yêu mến nhân cách đạo đức, thông minh và tận tụy của Ông”. Như người bệnh nghèo nói về Ông “ người thầy thuốc có tấm lòng Bồ tát”.
Ông thuộc về một số ít người không chết. Trong lịch sử dài dằng dặc của nhân loại có một số ít người không chết. Đó là những người hy sinh hết mình vì hạnh phúc của con người, hy sinh cả cái cao quí nhất trên đời này- sự sống của mình để cho ngày mai ca hát (thơ của Gabrien-Pêri).
Với chúng ta là những người vinh dự được công tác trong một bệnh viện YHCT mang tên bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, ngay trên mảnh đất và ngôi nhà mà gia đình bác sĩ Phạm Ngọc Thạch hiến tặng để làm bệnh viện, là thế hệ tiếp nối bác sĩ Phạm Ngọc Thạch hứa quyết tâm luôn nêu cao tinh thần bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trong lĩnh vực YHCT và kết hợp YHCT với YHHĐ; luôn thực hiện tốt lời dậy của Người trong chăm sóc phục vụ bệnh nhân:
“ Đến đón tiếp niềm nở,
Ở tận tình chăm sóc,
Về dặn dò ân cần.”
để bệnh viện mãi xứng đáng với tên người : PHẠM NGỌC THẠCH.